Hội nghị lần thứ bảy, Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá XII đã khai mạc sáng nay (7/5) tại Hà Nội.
Ba đề án trọng tâm sẽ được bàn thảo là: Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; Cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong các doanh nghiệp; Cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, và một số vấn đề quan trọng khác.
|
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại hội nghị.
|
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị các đại biểu phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, thảo luận kỹ lưỡng, cho ý kiến để hoàn thiện các đề án và xem xét, quyết định vào cuối kỳ họp.
Nội dung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp được Tổng bí thư nhấn mạnh là đặc biệt quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, có ý nghĩa quyết định sự thành bại của cách mạng...
Ông nhận xét đa số cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có trình độ, năng lực, phẩm chất, uy tín; cán bộ cấp chiến lược có bản lĩnh chính trị, kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, có tư duy đổi mới, có khả năng hoạch định đường lối và lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện.
Gần đây, việc xử lý kịp thời, nghiêm minh một số tổ chức, cá nhân vi phạm đã góp phần cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, ngăn chặn tiêu cực, làm trong sạch đội ngũ cán bộ, từng bước củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.
"Một số cán bộ lãnh đạo uy tín thấp'
Bên cạnh những phẩm chất tốt, Tổng bí thư cho rằng, đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ còn bộc lộ không ít hạn chế, yếu kém. Cán bộ trong hệ thống chính trị đông nhưng chưa mạnh, tình trạng vừa thừa, vừa thiếu cán bộ xảy ra ở nhiều nơi; đáng lưu ý là thiếu những cán bộ lãnh đạo, quản lý giỏi, nhà khoa học và chuyên gia đầu ngành.
Một số cán bộ trong đó có cả cấp chiến lược uy tín thấp, năng lực, phẩm chất chưa ngang tầm nhiệm vụ; thiếu gương mẫu, chưa thật sự gắn bó mật thiết với nhân dân; vướng vào tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm.
|
Chủ tịch nước Trần Đại Quang phát biểu tại Hội nghị Trung ương 7, khóa XII khai mạc sáng nay 7/5.
|
Không ít cán bộ, quản lý doanh nghiệp thiếu ý chí tu dưỡng, rèn luyện, thậm chí lợi dụng sơ hở, cố ý làm trái, trục lợi, làm thất thoát vốn, tài sản Nhà nước, gây hậu quả nghiêm trọng. Tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy tội... chậm được ngăn chặn.
Đây là một trong những nguyên nhân làm cho đất nước phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.
Đất nước đang đứng trước nhiệm vụ mới với thời cơ, thách thức mới đan xen. Sự nghiệp đổi mới, hội nhập quốc tế, phát triển đất nước nhanh và bền vững đang chuyển sang giai đoạn mới, cao hơn, ngày càng đi vào chiều sâu, khó khăn, phức tạp hơn so với trước.
Bối cảnh trong nước, quốc tế đã có nhiều thay đổi, khó lường dưới tác động của kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và nhiều yếu tố, xu hướng chính trị-kinh tế-xã hội khác.
Tổng bí thư nói, sự chống phá của các thế lực thù địch, phản động ngày càng tinh vi, nguy hiểm hơn trong điều kiện phát triển bùng nổ của hệ thống thông tin, truyền thông toàn cầu, chiến tranh mạng. Chính vì vậy, Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã yêu cầu: Phải tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ theo đúng tinh thần "thời kỳ nào, phong trào nào thì cán bộ đó".
Ông cho biết, ngay từ tháng 5/2016, Ban bí thư đã thành lập Ban chỉ đạo xây dựng Đề án để thực hiện nhiệm vụ Đại hội XII đã đề ra, tổng kết 20 năm (1997 - 2017) thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khoá VIII về "Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước", trên cơ sở đó xây dựng Đề án và dự thảo Nghị quyết "Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ" để trình Hội nghị Trung ương lần này.
Đề án và dự thảo Nghị quyết đã được chỉnh sửa nhiều lần, lắng nghe ý kiến đóng góp của các ban, bộ, ngành và các tỉnh uỷ, thành uỷ trực thuộc Trung ương; tham vấn ý kiến của nhiều vị nguyên là lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cán bộ lão thành, các nhân sĩ, trí thức và các nhà khoa học.
|
Thường trực Ban bí thư Trần Quốc Vượng trình bày dự kiến chương trình Hội nghị Trung ương 7.
|
Làm rõ khâu đột phá là khâu nào?
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị Trung ương nghiên cứu kỹ các dự thảo văn bản và xuất phát từ thực tiễn đánh giá khách quan, khoa học về những kết quả đạt được, phân tích sâu sắc những tồn tại và chỉ rõ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan.
Ông yêu cầu trả lời cho được câu hỏi vì sao 20 năm qua, đặc biệt những năm gần đây mặc dù Đảng đã có rất nhiều chủ trương, chính sách về công tác cán bộ nhưng trong thực hiện vẫn còn nhiều bất cập, hiệu quả còn thấp? Nguyên nhân từ đâu, ở khâu nào, ở cấp nào? Đồng thời phân tích, dự báo tình hình trong nước, quốc tế trong thời gian tới; xác định rõ yêu cầu, nhiệm vụ mới, bối cảnh mới, nhất là những yếu tố tác động, cả tích cực lẫn tiêu cực đến cán bộ và công tác cán bộ.
Từ việc trả lời các câu hỏi trên, Trung ương đi sâu thảo luận, tạo sự thống nhất cao về quan điểm, mục tiêu trước mắt cũng như lâu dài và những nhiệm vụ, giải pháp lớn, có tính đột phá khả thi cao để sớm khắc phục triệt để những hạn chế đã nêu.
Tổng bí thư cũng lưu ý phải chỉ ra khâu đột phá là khâu nào? Đánh giá cán bộ hay sắp xếp, bố trí cán bộ? Khắc phục tình trạng "chạy chức, chạy quyền" hay "thân quen, cánh hẩu"? Chú trọng đặc biệt phẩm chất hay năng lực hay coi trọng cả hai? Vì sao có nhiều nghị quyết rất đúng, rất trúng nhưng việc thực hiện hiệu quả lại thấp? Vì sao quy trình thì đúng nhưng bố trí con người cụ thể lại sai? Cơ chế giám sát quyền lực đã đủ chưa? Chính sách tạo ra động lực để cán bộ tâm huyết gắn bó với sự nghiệp là gì?...
Hội nghị dự kiến bế mạc vào ngày 12/5.