Banner trang trong

Xuất khẩu nông sản đạt 37,4 tỷ USD: Lâm sản và lúa gạo "cứu" cả ngành nông nghiệp

Ngày đăng: 10:14 - 09/12/2020
Lượt xem: 1.128
Cỡ chữ

Xuất khẩu nông sản đạt 37,4 tỷ USD: Lâm sản và lúa gạo "cứu" cả ngành nông nghiệp

Lũy kế tổng giá trị xuất khẩu 11 tháng 2020 đạt 37,4 tỷ USD, tăng 2,3% so với cùng kỳ 2019...

 

 

 

CHU KHÔI

08/12/2020 10:13

Trong bối cảnh hàng loạt nhóm mặt hàng chủ lực của ngành nông nghiệp như thủy sản, cà phê, tiêu, điều, cao su, chè, chăn nuôi... đều giảm sâu thì sự tăng trưởng ấn tượng của lâm sản và lúa gạo đã đưa toàn ngành nông nghiệp tăng trưởng dương về giá trị xuất khẩu. 

Trong 11 tháng 2020, giá trị xuất khẩu nhóm các mặt hàng nông sản giảm 0,5%; chăn nuôi giảm 18,5%; Thủy sản giảm 0,9%; riêng nhóm lâm sản tăng 15% so với cùng kỳ 2019.

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản tháng 11/2020 ước đạt 3,72 tỷ USD. Lũy kế tổng giá trị xuất khẩu 11 tháng 2020 đạt 37,4 tỷ USD, tăng 2,3% so với cùng kỳ 2019. Tổng giá trị nhập khẩu nông lâm thủy sản 11 tháng của năm 2020 đạt gần 28,06 tỷ USD, giảm 0,2% so với cùng kỳ năm 2019. Thặng dư thương mại của toàn ngành nông lâm ngư nghiệp tiếp tục tăng cao, đạt hơn 9,3 tỷ USD trong 11 tháng. Điều này không chỉ nhờ xuất khẩu tăng trưởng mà còn vì giảm được nhập khẩu. 

LÂM SẢN TĂNG MẠNH, THỦY SẢN SUY GIẢM

Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tháng 11/2020 ước đạt 1,1 tỷ USD, đưa giá trị xuất khẩu gỗ và sản phầm gỗ 11 tháng lên 10,88 tỷ USD, tăng 14,1% so với cùng kỳ 2019. Hoa Kỳ, Nhật Bản và Trung Quốc là 3 thị trường nhập khẩu đồ gỗ lớn nhất của Việt Nam, chiếm 77,8% trong tổng giá trị xuất khẩu ngành hàng này. Từ đầu năm đến nay, giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tăng mạnh tại các thị trường: Hoa Kỳ tăng 32,3%; Trung Quốc tăng 3,4%; Canada tăng 17%; Thái Lan tăng 20,2% so với cùng kỳ 2019. 

Như vậy, dù phải đối mặt với những khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra, 11 tháng 2020 ngành gỗ Việt Nam vẫn có những bước tăng trưởng ấn tượng và đây là tháng thứ 5 liên tiếp, kim ngạch xuất khẩu gỗ, sản phẩm gỗ gỗ đạt trên 1 tỷ USD/tháng. Bên cạnh đó, nhờ giữ vững các thị trường truyền thống Trung Quốc, Hàn Quốc và EU. Đặc biệt, trong nhóm các nước nhiệt đới xuất khẩu đồ gỗ nội ngoại thất vào thị trường EU, năm 2020 chỉ có Việt Nam giữ vững được giá trị xuất khẩu vào thị trường này. 

Đối ngược xuất khẩu lâm sản thì ngành thủy sản lại rất ảm đạm. Giá trị xuất khẩu thủy sản tháng 11/2020 chỉ đạt 800 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu thủy sản 11 tháng lên gần 7,75 tỷ USD, giảm 0,9% so với cùng kỳ 2019. Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam, chiếm 59,6% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản. Xuất khẩu thủy sản tăng mạnh nhất sang thị trường Anh (tăng 5,1%), nhưng lại chứng kiến sự suy giảm ở nhiều thị trường, trong đó giảm mạnh nhất 16,3% ở Thái Lan. 

Tuy ảm đạm nhưng nhiều ngành hàng đã cho thấy sự bắt đầu khởi sắc về cuối năm. Trong đó, giá trị xuất khẩu mặt hàng tôm trong tháng 11/2020 đạt 418,99 triệu USD, tăng 21,4% so với tháng 11/2019; cua, ghẹ và giáp xác khác đạt 20,99 triệu USD, tăng 24%; nhuyễn thể đạt 70,15 triệu USD, tăng 15%. 

Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản nhận định: "Xuất khẩu tôm đang có nhiều cơ hội tăng thị phần tại hầu hết các thị trường khi nguồn cung tôm của nhiều quốc gia trên thế giới đang bị ảnh hưởng vì dịch Covid-19. Bên cạnh các lợi thế đến từ các FTAs và lợi thế do việc kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19 tạo ra tính ổn định trong hoạt động nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu, tôm Việt Nam cũng chịu cạnh tranh lớn từ Indonesia tại các thị trường Hoa Kỳ, EU, với Ấn Độ tại thị trường Nhật Bản... Vì vậy, các doanh nghiệp cần lưu ý đảm bảo chất lượng ổn định để duy trì bền vững những lợi thế hiện có". 

KIM NGẠCH XUẤT KHẨU GẠO TĂNG 10,4%

Ngành hàng lúa gạo đang tự tin với sự tăng trưởng cao. Trong tháng 11/2020, đã xuất khẩu 388 nghìn tấn gạo, đem về 207 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị xuất khẩu gạo 11 tháng lên 5,74 triệu tấn và 2,85 tỷ USD, giảm 2,2% về khối lượng nhưng tăng 10,4% về giá trị so với cùng kỳ 2019. Hiện tại, Philippines đứng vị trí thứ nhất về thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam với 32,9% thị phần; giảm 4,3% về khối lượng nhưng tăng 8,4% về giá trị. Xuất khẩu tăng mạnh ở các thị trường: Indonesia tăng gấp 3,1 lần; Trung Quốc, tăng 79,2%. Giá gạo xuất khẩu bình quân đạt 493,3 USD/tấn, tăng 12,7% so với cùng kỳ 2019. Về chủng loại xuất khẩu, giá trị xuất khẩu gạo trắng chiếm 40,3% tổng kim ngạch; gạo jasmine và gạo thơm chiếm 37,7%; gạo nếp chiếm 17,6%; gạo japonica và gạo giống Nhật chiếm 4,2%. 

Các thị trường xuất khẩu gạo trắng lớn nhất của Việt Nam là Philippines (chiếm 54,5%), Malaysia (chiếm 13,4%) và Cuba (chiếm 8,8%). Với gạo jasmine và gạo thơm, thị trường xuất khẩu lớn nhất là Philippines (chiếm 26,4%), Ghana (chiếm 21,2%) và Bờ Biển Ngà (chiếm 14,8%). Với gạo nếp, thị trường xuất khẩu lớn là Trung Quốc (chiếm 72,4%), Indonesia (chiếm 8,0%) và Philippines (chiếm 7,0%). Với gạo japonica và gạo giống Nhật, thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam là Kiribati (chiếm 17,5%), Đảo quốc Solomon (chiếm 15,7%) và Trung Quốc (chiếm 6,9%).

Trong một tháng qua, giá gạo 5% tấm của Việt Nam có xu hướng tăng nhẹ từ mức khoảng 495 USD/tấn vào đầu tháng 11 lên khoảng 498 USD/tấn vào gần cuối tháng. Trong khi đó, giá gạo 5% tấm của Thái Lan có xu hướng tăng mạnh từ 466 USD/tấn vào đầu tháng lên 480 USD/tấn vào gần cuối tháng. Nguyên nhân chính là do nguồn cung từ vụ mới chậm đưa ra thị trường khiến tình trạng khan hiếm làm giảm giá xảy ra. Trong khi, giá gạo Ấn Độ giảm nhẹ từ 373 USD/tấn vào đầu tháng xuống 368 USD/tấn vào gần cuối tháng. 

NHIỀU LOẠI NÔNG SẢN SUY GIẢM XUẤT KHẨU

Xuất khẩu nông sản trong 11 tháng đầu năm nay nổi nên nhiều gam màu xám, đó là sự suy giảm nghiêm trọng của nhiều ngành hàng. Giá trị xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi tháng 11/2020 ước đạt 33 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi 11 tháng lên 297 triệu USD, giảm 18,5% so với cùng kỳ 2019. Trong đó, giá trị xuất khẩu sữa và các sản phẩm từ sữa tăng 7,4%; thịt và phụ phẩm dạng thịt động vật giảm 44,6%; giá trị xuất khẩu mật ong đạt tăng 38% so với cùng kỳ 2019.

Giá trị xuất khẩu rau quả tháng 11/2020 ước đạt 280 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu rau quả 11 tháng lên 3,01 tỷ USD, giảm 11,7% so với cùng kỳ 2019. Trung Quốc đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu rau quả của Việt Nam với 56,8% thị phần; giảm 26,6% so với cùng kỳ 2019. Hầu hết chủng loại sản phẩm rau quả xuất khẩu chính đều chứng kiến sự suy giảm về giá trị xuất khẩu: thanh long vẫn là mặt hàng chiếm thị phần cao nhất với 35,8% tổng giá trị xuất khẩu nhưng giảm 10,3%; chuối chiếm 5,4%, nhưng giảm 13,1%; sầu riêng chiếm 4% nhưng giảm 52,9%; dưa hấu chiếm 1,3% nhưng giảm 36,5% ...

Xuất khẩu cà phê tháng 11/2020 ước đạt 70 nghìn tấn với giá trị đạt 137 triệu USD, đưa khối lượng và giá trị xuất khẩu cà phê 11 tháng lên 1,41 triệu tấn và 2,46 tỷ USD, giảm 3,9% về khối lượng và giảm 2,9% về giá trị so với  cùng kỳ năm 2019. Đức, Hoa Kỳ và Italia tiếp tục là ba thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam với thị phần lần lượt là 13,1%; 9,3% và 8,4%. Giá trị xuất khẩu cà phê tăng mạnh tại các thị trường: Ba Lan (tăng 35,4%);  Nhật Bản (tăng 16,5%); Malaysia (tăng 14,3%). Giá cà phê xuất khẩu bình quân 11 tháng đạt 1.744 USD/tấn, tăng 0,7% so với cùng kỳ 2019. 

Xuất khẩu tiêu đạt 21 nghìn tấn với giá trị đạt 54 triệu USD trong tháng 11/2020; lũy kế 11 tháng đạt 263 nghìn tấn và 597 triệu USD, giảm 1,8% về khối lượng và giảm 11,4% về giá trị so với cùng kỳ 2019. Ba thị trường xuất khẩu tiêu lớn nhất của Việt Nam là Hoa Kỳ, Đức và Ấn Độ chiếm 31,2% thị phần tổng giá trị xuất khẩu tiêu. Giá tiêu xuất khẩu bình quân đạt 2.246,2 USD/tấn, giảm 11,2% so với cùng kỳ 2019. 

Trong tháng 11/2020, khối lượng điều nhân Việt Nam xuất khẩu ước đạt 50 nghìn tấn với giá trị 310 triệu USD, đưa kết quả xuất khẩu mặt hàng này trong 11 tháng lên 468 nghìn tấn và 2,94 tỷ USD, tăng 13,2% về khối lượng nhưng giảm 1,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019. Hoa Kỳ, Hà Lan và Trung Quốc vẫn là ba thị trường nhập khẩu điều lớn nhất của Việt Nam, chiếm thị phần lần lượt là 32,3%, 14,5% và 12,6% tổng giá trị xuất khẩu hạt điều. Thị trường điều nhân cả năm nay tương đối trầm lắng, một phần do lượng tồn kho lớn ở Hoa Kỳ và EU, ngoài ra còn bị sự tác động bởi dịch Covid -19.

Giá trị xuất khẩu chè 11 tháng qua đạt 124 nghìn tấn và 200 triệu USD, tăng 1,2% về khối lượng nhưng giảm 5,5% về giá trị so với cùng kỳ 2019. Xuất khẩu cao su 11 tháng qua đạt 1,51 triệu tấn và gần 2 tỷ USD; tăng nhẹ 0,4% về khối lượng nhưng giảm 1,4% về giá trị so với cùng kỳ 2019. Trung Quốc, Ấn Độ và Hàn Quốc là 3 thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam, chiếm thị phần lần lượt là 76,2%, 3,8% và 2,1%. Giá cao su xuất khẩu bình quân đạt 1.294,7 USD/tấn, giảm 4,3% so với cùng kỳ 2019.

NHẬN ĐỊNH VÀ DỰ BÁO

Các ngành lúa gạo và lâm sản đã về đích sớm trước 1 tháng và sẽ còn tiếp tục tăng tốc xuất khẩu trong tháng cuối năm. Trong khi đó, nhiều nhóm mặt hàng nông sản khác đã thấy "sáng" hơn về cuối năm, có cơ hội tăng tốc về đích trong tháng 12/2020. 

Cụ thể như ở ngành hàng cà phê, giá cà phê xuất khẩu tháng 11/2020 đạt 1.957 USD/tấn, tăng 6% so với tháng 10/2020 và tăng 11,8% so với tháng 11/2019. Trong tháng 11/2020, giá cà phê thế giới trên các sàn phái sinh biến động tăng. So với tháng trước, giá cà phê Robusta giao tháng 11/2020 thị trường London tăng 26 USD/tấn lên 1.365 USD/tấn, giá giao tháng 1/2021 tăng 43 USD/tấn lên 1.409 USD/tấn, giá giao tháng 3/2021 tăng 35 USD/tấn lên mức 1.411 USD/tấn. Dù Việt Nam đang bước vào mùa thu hoạch cà phê nhưng do cơn bão số 9 và số 10 đổ bộ trực tiếp vào Tây Nguyên làm giảm lượng cung, khiến giá cà phê Robusta tăng cao. Tại sàn New York, giá cà phê Arabica tăng trưởng trung bình 8%, giá giao tháng 12/2020 đạt mức 2.542 USD/tấn và giá giao tháng 3/2021 là 2.600 USD/tấn. 

"Trước những rủi ro do đợt bùng phát Covid-19 từ cuối tháng 10/2020 có thể ảnh hưởng đến sức tiêu thụ cà phê toàn cầu, đặc biệt là tại các nước kêu gọi giãn cách như Đức, Pháp, Bỉ, Áo hay Anh... khiến nhà hàng, quán bar đóng cửa. Nhưng tình hình nhập khẩu cà phê tại một số nước châu Âu hay Hoa Kỳ trong tháng vẫn cho thấy những dấu hiệu khả quan do tăng cường nhập khẩu để chuẩn bị cho lễ hội Giáng sinh truyền thống vào cuối năm 2020 và đầu năm 2021. 

Cà phê cũng là một trong những mặt hàng có mức tiêu thụ cao tại các thị trường này, đặc biệt là cà phê rang xay, hòa tan đang được các nước trên thế giới ưa chuộng do nhu cầu thưởng thức tại nhà tăng cao. Thời gian tới, nhu cầu cà phê hoà tan tiếp tục tăng có thể là yếu tố thúc đẩy cho ngành cà phê hoà tan trong nước phát triển và vươn lên nhờ lợi thế về nguồn nguyên liệu và sự chuyển biến tích cực từ thị trường", ông Nguyễn Quốc Toản nhận định. 

Trong báo cáo mới nhất vừa công bố giữa tháng 10, Hiệp hội Các nước sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC) dự báo xu hướng giá cao su tăng sẽ còn tiếp diễn trong các tháng tới, chủ yếu do lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc tiếp tục hồi phục, giữa bối cảnh doanh số bán ôtô ở Ấn Độ cũng tăng và Hoa Kỳ sẽ tung thêm chương trình kích thích kinh tế mới. Tháng 9 vừa qua đánh dấu tháng đầu tiên ngành ôtô hồi phục gần như trên khắp toàn cầu, sau giai đoạn dài sa sút do dịch bệnh.

Ở ngành hàng điều, các nhà nhập khẩu và các nhà rang chiên, siêu thị hiện đang tập trung vào việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa đúng hạn và ổn định đến người tiêu dùng vì việc vận chuyển giao hàng bằng đường biển, đường bộ gặp nhiều khó khăn do phong tỏa gây ra. Nhu cầu từ thị trường Trung Quốc tương đối tốt, các nhà nhập khẩu Trung Quốc mua điều nhân cả loại chất lượng loại 1 và loại 2. Giá giao dịch điều nhân (FOB HCM) dao động ở mức 6.283 đến 7.054 USD/tấn đối với mã W320, tùy từng nhà máy, mã W240 ở mức 7.385 đến 7.826 USD/tấn. Xuất khẩu điều nhân của Việt Nam trong những tháng còn lại của năm 2020 sẽ vẫn tiếp tục tăng, do nhu cầu phục vụ các dịp lễ tết cuối năm của các nước nhập khẩu lớn như Hoa Kỳ, Ấn Độ, EU và Trung Quốc. 

Với mặt hàng tiêu, trong tháng 11/2020, xuất khẩu tiêu sang Hoa Kỳ và EU có xu hướng tăng cả về giá trị và sản lượng so với tháng trước và so với tháng 11/2019. Tại thị trường Hoa Kỳ, xuất khẩu hồ tiêu tháng 11/2020 đạt 5 nghìn tấn tương đương 12,7 triệu USD, tăng 19% về lượng và tăng 18% về giá trị so với tháng 10/2020; tăng 17% về lượng và tăng 10% về giá trị so với tháng 11/2019. Tại thị trường EU, xuất khẩu hồ tiêu tháng 11/2020 đạt 2,5 nghìn tấn tương đương 7,2 triệu USD, tăng 35% về lượng và 28% về giá trị so với tháng 10 năm 2020. So với cùng kỳ năm 2019 thì tăng 30% về lượng và 28% về giá trị. 

"Hiện dịch bệnh tại châu Âu vẫn diễn biến khá phức tạp. Làn sóng lây nhiễm mới tại châu Âu rất đáng lo ngại khi hơn 50% các nước Liên minh châu Âu (EU) đang ở mức cảnh báo đỏ về Covid-19. Một số nền kinh tế hàng đầu châu Âu như Đức, Anh và Italia đang nỗ lực đẩy mạnh các biện pháp phòng dịch với hy vọng sẽ tránh được việc phải áp đặt lệnh phong tỏa trên diện rộng. Bên cạnh áp lực từ dịch Covid-19 đến ngành tiêu xuất khẩu sang EU thì việc Việt Nam tham gia ký kết EVFTA đang đặt ngành hạt tiêu nước ta trước những cơ hội và thách thức mới. Trong đó, vấn đề rào cản kỹ thuật và vệ sinh an toàn thực phẩm cần được chú trọng", ông Toản nhận định. 

GIẢI PHÁP CHO THÁNG CUỐI NĂM

Có thể nói, năm 2020 là năm khó khăn nhất đối với xuất khẩu nông lâm thủy sản bởi dịch Covid đã bao phủ rất nhiều thị trường trọng điểm: Trung Quốc, châu Âu, Hoa Kỳ. Tuy nhiên, các doanh nghiệp xuất khẩu và toàn ngành đã tìm cách vượt qua khó khăn để đưa hàng hóa ra thế giới và đã đúc rút được nhiều bài học. Đó là, phải lựa chọn chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu phù hợp với lợi thế của đất nước và tình hình thực tiễn của từng thị trường xuất khẩu. 

Nhà nước đã tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp bằng việc mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại với tất cả các nước, hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới và khu vực thông qua việc tăng cường đàm phán và ký kết các FTA, EPA song phương và khu vực. Cùng với đó là, tái cơ cấu thị trường xuất khẩu hàng nông sản theo hướng tương đối cân bằng giữa các khu vực thị trường nhằm giảm bớt rủi ro do quá tập trung vào một khu vực thị trường xuất khẩu nào đó. 

Các doanh nghiệp xuất khẩu nông lâm thủy sản đã nỗ lực thực hiện đa dạng hóa sản phẩm nông sản xuất khẩu theo cả chiều rộng và chiều sâu, chú trọng đa dạng hóa theo chiều sâu nhằm nâng cao hiệu quả xuất khẩu. Hàng nông sản xuất khẩu được cơ cấu theo hướng tích cực, giảm tỷ trọng nguyên liệu thô và sản phẩm sơ chế, tăng tỷ trọng sản phẩm có hàm lượng chế biến cao nhằm nâng cao giá trị hàng nông sản xuất khẩu. Đồng thời, đã chú trọng xây dựng chiến lược tiêu thụ, quảng bá và phát triển thương hiệu nông sản cả trong nước và nước ngoài. Trên cơ sở mặt hàng có lợi thế cạnh tranh, mỗi quốc gia có cách thức riêng nhằm xây dựng hình ảnh, thương hiệu cho mình.

Trong tháng cuối năm, toàn ngành nông lâm ngư nghiệp đang phấn đấu đem về thêm hơn 4 tỷ USD để tạo ra mốc mới về xuất khẩu, với 41,5 tỷ USD. Để thực hiện điều này, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho hay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục phối hợp với địa phương nắm bắt tình hình sản xuất, khó khăn vướng mắc trong tiêu thụ nông sản; kịp thời thông tin, cảnh báo các quy định mới của thị trường xuất khẩu, đặc biệt là thị trường Trung Quốc. Bộ sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy xuất khẩu nông sản trước diễn biến mới của dịch bệnh Covid-19 trên thế giới, tập trung vào các thị trường trọng điểm. 

Đồng thời, truyền thông mạnh mẽ các hoạt động, sự kiện xúc tiến thương mại nổi bật của ngành, các sự kiện về xuất khẩu nông sản sang thị trường EU theo Hiệp định EVFTA, thị trường các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và ASEAN theo Hiệp định RCEP. Tiếp tục tập trung giải quyết các rào cản kỹ thuật, đàm phán mở rộng thị trường sang các nước: Trung Quốc, EU, Liên minh kinh tế Á – Âu, Hoa Kỳ, Brazil... và xuất khẩu thủy sản sang thị trường Ả rập Xê út; xây dựng chương trình đoàn công tác của Bộ tại Trung Quốc, Brazil, Liên bang Nga, Nhật Bản, Australia sau khi kết thúc dịch Covid-19.


[+84] 0903 41 64 65 [+84] 02437.34.35.99