Ngày 7/5, trong buổi thẩm vấn đầu tiên của phiên tòa phúc thẩm xét kháng cáo của ông Đinh La Thăng (cựu chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam – PVN) cùng 13 người trong vụ án Cố ý làm trái và Tham ô tài sản xảy ra tại PVN và PVC (Tổng công ty Xây lắp Dầu khí Việt Nam), HĐXX TAND Cấp cao chưa thẩm vấn ông Thăng mà xét hỏi một loại bị cáo "có vai trò phụ".
Tám người được gọi lên bục trả lời thẩm vấn đều bị kết tội liên quan một loạt hành vi: cố ý làm trái trong việc ký hợp đồng thi công ở dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, tạm ứng tiền cho PVC khi chưa đủ điều kiện, giúp sức cho ông Trịnh Xuân Thanh (cựu chủ tịch HĐQT PVC) sử dụng tiền tạm ứng sai mục đích.
|
Các bị cáo tại phiên phúc thẩm. Ảnh: N.A.
|
Theo bản án sơ thẩm tuyên tháng 1, PVN được giao làm đầu mối đầu tư Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, tổng mức đầu tư sau thuế hơn 31.500 tỷ đồng, tương đương gần 1,7 tỷ USD. Dù chưa làm thủ tục chọn nhà thầu, nhưng ngày 18/6/2010, ông Đinh La Thăng đã ký Nghị quyết giao PVC thực hiện gói thầu EPC dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 theo hình thức chỉ định thầu.
Ngày 11/10/2011, PVC mới chính thức là Nhà thầu có tư cách pháp lý để thực hiện Hợp đồng tổng thầu EPC (còn gọi là hợp đồng 33) Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, nhưng từ ngày 28/4/2011 đến ngày 12/7/2011, PVN đã làm các thủ tục chi tạm ứng cho PVC hơn 6,6 triệu USD và hơn 1.300 tỷ đồng.
Sau khi PVC nhận tiền tạm ứng, ông Thanh và cấp dưới tại PVC đã chỉ đạo sử dụng hơn 1.115 tỷ đồng vào mục đích khác, không đưa vào dự án. Đến ngày 22/11/2017, nhà chức trách mới thu hồi được gần 1.100 tỷ đồng. Số tiền còn lại (hơn 119 tỷ đồng) bị xác định là thiệt hại.
Trả lời tòa phúc thẩm, tám bị cáo gồm các ông Ninh Văn Quỳnh (cựu kế toán trưởng PVN, bảy năm tù) và Vũ Đức Thuận (cựu tổng giám đốc PVC, bảy năm tù), Nguyễn Mạnh Tiến (cựu phó tổng giám đốc PVC, 6 năm) và Nguyễn Ngọc Quý (cựu phó Chủ tịch HĐQT PVC, 6 năm), Lê Đình Mậu (cựu phó trưởng ban kế toán - kiểm toán PVN, 4 năm 6 tháng), Trương Quốc Dũng (cựu phó tổng giám đốc PVC, 17 tháng), Vũ Hồng Chương (cựu trưởng ban QLDA Điện lực dầu khí Thái Bình 2, 3 năm tù treo); Trần Văn Nguyên (cựu kế toán trưởng ban quản lý dự án Điện lực dầu khí Thái Bình 2 thuộc PVN, 30 tháng treo) đều cho rằng chỉ "vô tình" làm trái chứ không cố ý như cáo buộc của cấp sơ thẩm. Tuy nhiên, họ lại đều nhận tội và có hai nguyện vọng chính: xin giảm hình phạt và trách nhiệm dân sự.
Cựu tổng giám đốc Vũ Đức Thuận cùng ông Nguyễn Ngọc Quý đều khẳng định làm theo chỉ đạo của ông Trịnh Xuân Thanh. Do không có chuyên môn tài chính, không hiểu luật, họ không rõ về tính pháp lý của hợp đồng thi công thầu mà PVC đã ký với chủ đầu tư.
“Hợp đồng 33 đã được ký trước khi bị cáo chấp thuận, chứ bị cáo cũng không nhìn thấy hợp đồng này. Cả quá trình công tác bị cáo không tham nhũng, không lấy gì của dân”, ông Quý trình bày.
Ông Ninh Văn Quỳnh khai việc tạm ứng tiền cho PVC chỉ làm theo chỉ đạo của ông Nguyễn Xuân Sơn (cựu phó tổng giám đốc PVN). Với chuyên môn kế toán, tài chính, ông Quỳnh cho rằng không biết hợp đồng thiếu nhiều tài liệu như hồ sơ đề xuất, thiết kế kỹ thuật, phụ lục…
Cũng như ở phiên tòa sơ thẩm trước đây, ông Quỳnh ‘gỡ tội’ cho cấp dưới của mình là bị cáo Lê Đình Mậu khi cho rằng cựu phó ban tài chính kế toán này chỉ ký theo ủy quyền của mình, không có chuyên môn để nhận biết điều kiện tạm ứng tiền là đúng hay sai.
Trong khi đó, ông Mậu trình bày chỉ là người nhận ủy quyền chứ "chưa bao giờ làm về dự án, cũng không biết về dự án này”.
|
Ông Đinh La Thăng ngồi nghe các bị cáo trình bày.
|
Bị cáo: Lãnh đạo PVN ép tạm ứng tiền cho PVC trong ngày
Cựu kế toán trưởng ban quản lý dự án Điện lực dầu khí Thái Bình 2 thuộc PVN Trần Văn Nguyên khi xin giảm án đã trình bày chỉ làm theo đúng trách nhiệm trong phân cấp, phân quyền dự án, đúng luật kế toán.
“Trước khi chuyển tiền bị cáo đã tham mưu anh Chương có công văn báo cáo Tập đoàn về việc hợp đồng chưa đủ điều kiện, xin được hướng dẫn song sau đó tập đoàn vẫn ra quyết định cấp vốn (văn bản số 448) và quyết định chuyển tiền ngay trong ngày (449). Khi đó kế toán bắt buộc phải thực hiện”, bị cáo nói.
Khi xin giảm án, bị cáo này cho rằng ngoài hình phạt 30 tháng tù còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ 5 năm nên muốn được cấp phúc thẩm xem xét lại để "còn được tiếp tục cống hiến cho xã hội”.
Bị cáo Vũ Hồng Chương sau đó khẳng định đã có nhiều văn bản cảnh báo Hợp đồng 33 không đủ điều kiện, việc tạm ứng cũng không đủ điều kiện, đã trình bày bằng văn bản với lãnh đạo tập đoàn đề nghị hủy hợp đồng 33. Tuy nhiên bị cáo vẫn bị ép thực hiện việc chuyển tiền. “Bị cáo không đề xuất chủ trương tạm ứng mà lãnh đạo tập đoàn đề ra bị cáo phải thực hiện bằng văn bản. Văn bản chỉ đạo chuyển tiền trong ngày do Nguyễn Xuân Sơn ký”, ông Chương khai.
“Còn ai ép bị cáo không?”, nghe bị cáo khai Chủ tọa Nguyễn Văn Sơn hỏi. Ông Chương một tay ôm ngực nói: “Thưa do lâu ngày bị cáo không nhớ nữa. Bị cáo bảo lưu ý kiến ở phiên tòa sơ thẩm”.
Cũng trong phần trình bày chiều 7/5, ông Chương xin giảm nhẹ hình phạt, miễn trách nhiệm dân sự với hoàn cảnh phạm tội nêu trên.
Sáng 8/5, phiên tòa tiếp tục.