Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã đặt bút ký vào một thỏa thuận...
Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un ngày 12/6 đã đặt bút ký vào một thỏa thuận sau cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử nhằm phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên - Reuters đưa tin.
Hiện chưa rõ chi tiết cụ thể của thỏa thuận này là gì nhưng ông Trump nói rằng ông kỳ vọng tiến trình phi hạt nhân hóa sẽ bắt đầu "rất, rất nhanh chóng".
Dù bước đột phá này mới chỉ là sự khởi đầu cho một quá trình ngoại giao, kết quả cuộc gặp có thể mang đến sự thay đổi lâu dài cho bối cảnh an ninh ở khu vực Đông Bắc Á.
Trước khi thỏa thuận được ký, ông Trump miêu tả đây là một "văn kiện toàn diện", còn ông Kim Jong Un nói hai nhà lãnh đạo đã có một cuộc gặp lịch sử và "quyết định gác lại quá khứ. Thế giới sẽ chứng kiến một sự thay đổi lớn".
Ông Trump cho biết ông đã thiết lập được "sự gắn kết đặc biệt" với ông Kim Jong Un và mối quan hệ Mỹ-Triều sẽ trở nên rất khác.
"Điều này sẽ dẫn tới thêm nhiều, nhiều và nhiều" những điều tốt đẹp nữa, ông Trump nói.
Khi được hỏi liệu ông có mời ông Trump thăm Nhà Trắng, ông Trump đáp: "Chắc chắn, tôi sẽ mời".
Nói về văn kiện vừa được ký, ông Trump nói văn kiện này "rất quan trọng", rằng ông và ông Kim Jong Un "đều rất vinh dự" khi đặt bút ký. Ông Kim Jong Un cảm ơn ông Trump vì đã để cuộc gặp lịch sử được diễn ra.
Ông Trump gọi đây là "một ngày tuyệt vời". "Chúng tôi đã biết thêm nhiều điều về nhau và đất nước của nhau", ông Trump nói.
"Ông ấy là một con người tài năng và rất yêu đất nước của mình", ông Kim Jong Un nói về ông Trump.
Sau lễ ký, ông Trump và ông Kim Jong Un đều lên xe limousine riêng và rời khỏi khu nghỉ dưỡng Sentosa. Ông Trump cho biết sẽ trao đổi thông tin tới báo chí sau.
Bắc Kinh đã lên tiếng đánh giá cao cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều, gọi đây là một sự kiện lịch sử. Việc hai nhà lãnh đạo "có thể ngồi lại với nhau và trao đổi bình đẳng có một ý nghĩa quan trọng và tích cực, và tạo ra một trang sử mới", Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói.
Ông Vương Nghị cũng nhắc lại lời kêu gọi của Bắc Kinh về "phi hạt nhân hóa hoàn toàn" để giải quyết căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.