Banner trang trong

Hàng trăm thương lái Trung Quốc đổ bộ, 300 điểm gom hàng qua biên giới

Ngày đăng: 09:27 - 07/07/2020
Lượt xem: 554
Cỡ chữ

Hàng trăm thương lái Trung Quốc đổ bộ, 300 điểm gom hàng qua biên giới

 

Thương nhân Trung Quốc đã thu mua khoảng gần 77.000 tấn vải thiều Bắc Giang đưa về nước  kéo giá mặt hàng này tăng vọt. Các loại trái cây khác xuất khẩu sang Thái Lan, Nhật Bản,... gần đây cũng tăng mạnh.

300 điểm cân vải thiều xuất đi Trung Quốc

Theo báo cáo của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT), vải thiều chính vụ tại Bắc Giang đang cho thu hoạch rộ. Dù ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng ngay từ đầu vụ, giá vải thiều đã ở mức cao, dao động 40.000-45.000 đồng/kg.

Hiện có 300 điểm cân vải xuất khẩu đi Trung Quốc, giá vải cũng cao hơn 7.000-8.000 đồng/kg. Dự kiến giá vải trên địa bàn tỉnh còn tăng trong những ngày tới, khi loại quả này bước vào những đợt thu hoạch cuối cùng của vụ năm nay.

Hàng trăm thương lái Trung Quốc đổ bộ, 300 điểm gom hàng qua biên giới
Thương nhân Trung Quốc samh mua lượng lớn vải thiều Việt Nam đã đẩy giá vải thiều tăng mạnh

Trao đổi với PV.VietNamNet, ông Nguyễn Văn Thọ - Phó giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh Bắc Giang, cho biết, tính đến hết ngày 5/7, sản lượng vải thiều đã thu hoạch của toàn tỉnh đạt gần 162.000 tấn. Số vải thiều còn lại của các nhà vườn không nhiều, thời gian thu hoạch chỉ kéo dài thêm 5-10 ngày là hết vụ, với tổng sản lượng khoảng 164.000 tấn.

Với số lượng trên, tiêu thụ tại thị trường trong nước chiếm 52,5%, xuất khẩu chiếm 47,5%. Trong đó, riêng vải thiều xuất khẩu sang Trung Quốc đã lên tới 76.626 tấn.

“Cao điểm tại Bắc Giang có tới 600 điểm cân lớn nhỏ, tổng cộng 137 thương nhân Trung Quốc sang thu mua. Hiện tại còn 200 điểm cân hoạt động trên địa bàn tỉnh để thu mua vải thiều đem xuất khẩu và tiêu thụ tại nội địa”, ông Thọ cho hay.

Trái cây xuất sang thị trường khó tính tăng mạnh

Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho biết, ngoài tiêu thụ nội địa, xuất khẩu sang thị trường truyền thống như Trung Quốc, vải thiều còn xuất khẩu sang nhiều quốc gia khác.

Đơn cử, tại thị trường Nhật Bản, lô vải thiều chính vụ Bắc Giang lần đầu tiên được xuất khẩu qua đường hàng không. Đến ngày 20/6, vải thiều đã có mặt tại Nhật Bản.

 

Trong ngày mở bán 21/6, lô vải thiều tươi này đã hết sạch chỉ trong vòng vài tiếng với giá khoảng 500.000 đồng/kg. Đáng chú ý, phía doanh nghiệp và người tiêu dùng Nhật Bản đánh giá rất cao về chất lượng quả vải Việt Nam. Khởi đầu thành công này đã mở ra cơ hội xuất khẩu rất lớn vào thị trường khó tính như Nhật.

Hay mới đây, lô vải thiều 30 tấn được sản xuất theo quy trình GlobalGap được một doanh nghiệp xuất khẩu đi thị trường Mỹ. Công ty tiếp tục thu mua khoảng 50 tấn vải chính vụ để xuất sang Hoa Kỳ.

Hàng trăm thương lái Trung Quốc đổ bộ, 300 điểm gom hàng qua biên giới
Xuất khẩu thanh long, chuối,... sang Nhật Bản tăng mạnh

Ông Nguyễn Văn Thọ cũng cho hay, ngoài Trung Quốc, vải thiều Bắc Giang còn xuất sang Nhật Bản, Mỹ, EU, Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan, Australia, Canada,...

Theo số liệu của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, 6 tháng năm 2020, kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 1,79 tỷ USD, giảm 12,2% so với cùng kỳ năm 2019. Trung Quốc vẫn giữ vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu rau quả của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm, với kim ngạch 906 triệu USD, giảm hơn 29% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019 (đạt 1,3 tỷ USD), chiếm 60,4% thị phần.

Song, ngoại trừ thị trường Trung Quốc giảm, hầu hết các thị trường còn lại đều có giá trị xuất khẩu tăng, đặc biệt là các thị trường khó tính.

Cụ thể, xuất khẩu sang Thái Lan đạt 68 triệu USD (chiếm 4,5% thị phần, tăng 233%); Hàn Quốc đạt 67,4 triệu USD (chiếm 4,5%, tăng 21,8%); Hoa Kỳ đạt 62 triệu USD (chiếm 4,1%, tăng 6,1%), Nhật Bản đạt 57,7 triệu USD (chiếm 3,8%, tăng 15,5%); Hà Lan đạt 34 triệu USD (chiếm 2,3%, tăng 9%),...

Cũng theo đơn vị này, EU cam kết mở cửa mạnh cho rau quả Việt Nam trong Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh EU (EVFTA). Cụ thể. EU xóa bỏ 94% trong số 547 dòng thuế rau quả và các chế phẩm từ rau quả, trong đó có nhiều sản phẩm Việt Nam có lợi thế, ngay khi Hiệp định có hiệu lực.

Mặc dù chịu nhiều tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19, Nhật Bản vẫn đẩy mạnh nhập khẩu nhiều chủng loại trái cây, rau củ từ Việt Nam như chuối, thanh long, vải, khoai lang,... Bên cạnh đó, hàng năm Nhật Bản nhập khẩu lượng lớn trái cây như chuối, vải - mặt hàng có tiềm năng xuất khẩu cao của Việt Nam - do người tiêu dùng Nhật rất ưa chuộng loại trái cây này. 

Châu Giang


[+84] 0903 41 64 65 [+84] 02437.34.35.99