Banner trang trong

Gỡ 'nút thắt' cho nông nghiệp để tận dụng cơ hội từ EVFTA

Ngày đăng: 11:44 - 01/07/2020
Lượt xem: 551
Cỡ chữ

Gỡ 'nút thắt' cho nông nghiệp để tận dụng cơ hội từ EVFTA

Xây dựng sàn thương mại điện tử, tổ chức lại chuỗi sản xuất, hỗ trợ tạo liên kết... là cách giúp nông nghiệp tận dụng lợi thế từ EVFTA.

Sáng 30/6, tại hội nghị "Hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu nông lâm thủy sản vào EU, thực thi hiệu quả Hiệp định EVFTA", ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho rằng EVFTA là hiệp định tạo nhiều cơ hội nhất cho ngành nông nghiệp trong xuất khẩu với nhiều ưu đãi khi mà nhóm nông sản Việt Nam đang là sản phẩm bổ trợ cho nhóm hàng của EU.

Tuy nhiên, nông nghiệp Việt còn quá nhiều "nút thắt" cần được tháo gỡ để có thể đẩy mạnh vào thị trường xuất khẩu tiềm năng với dân số hơn 500 triệu người và GDP đạt 15.000 tỷ USD.

Theo ông Cường, quy mô nông nghiệp của Việt Nam còn nhỏ lẻ cần tạo liên kết chuỗi để đảm bảo sản xuất theo quy trình nhằm gia tăng năng suất và chất lượng sản phẩm. Cần tổ chức lại chuỗi sản xuất để đảm bảo hàng chất lượng có truy xuất nguồn gốc, tiến tới hình thành vùng nông sản sạch và có nhiều sản phẩm hữu cơ. Hiện, một số hóa chất EU cấm sử dụng vẫn có thể tìm thấy trên thị trường Việt Nam. Các ngành hàng, nhóm hàng vẫn chưa phát huy được thế mạnh của mình để tạo động lực liên kết.

Cũng lo ngại về chất lượng nông sản Việt, ông Nguyễn Văn Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản cho rằng, EU có tiêu chuẩn về hạn mức dư lượng thuộc trừ sâu rất khắt khe. Song song đó, các sản phẩm nông sản khi xuất khẩu phải có các chứng nhận G.A.P, HACCP. Trong khi đó, mô hình nông sản Việt còn manh mún, người dân vẫn chưa được "cầm tay chỉ việc" nên luôn xảy ra tình trạng "được mùa mất giá, được giá mất mùa". Ngoài ra, người dân còn trồng nông sản theo trào lưu bất chấp không có đầu ra và hướng dẫn nên cần được quy hoạch lại.

Nông dân đang thu hoạch vải tại Bắc Giang. Ảnh: Giang Huy.
 

Nông dân đang thu hoạch vải tại Bắc Giang. Ảnh: Giang Huy.

Để tháo gỡ, ông Cường cho biết, đang đẩy mạnh tuyên truyền và hướng dẫn cho doanh nghiệp, người dân hiểu hơn về lợi ích từ hiệp định mới. Khuyến khích tạo liên kết giữa các doanh nghiệp ngành hàng. Song song đó, doanh nghiệp cần tập trung cùng với Bộ kiến nghị Chính phủ các vấn đề chung trong hệ sinh thái. Đẩy mạnh chính sách khuyến khích công nghiệp phụ trợ phát triển hỗ trợ nông nghiệp. Bộ cũng khuyến khích doanh nghiệp hình thành hiệp hội ngành hàng và đứng lên làm cầu nối Nhà nước, người dân để nông nghiệp Việt đi theo hướng hiện đại và áp dụng tốt công nghệ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Về phía Bộ Công Thương, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, Bộ đang trình Chính phủ hoàn tất các chương trình hành động để khi hiệp định có hiệu lực doanh nghiệp sẽ tận dụng cơ hội tốt hơn và sẽ có hướng dẫn thực hiện chứng nhận xuất xứ về C/0 điện tử cho doanh nghiệp. Đồng thời, Bộ cũng sẽ tổ chức giám sát Bộ Nông nghiệp thực hiện quy trình hỗ trợ doanh nghiệp và nông dân. Ngoài ra, hai cơ quan sẽ lập đoàn công tác xử lý nhanh để hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các bước để xuất khẩu vào EU nhằm tận dụng cơ hội từ EVFTA.

Cụ thể, tổ công tác sẽ xây dựng dữ liệu thông tin về xuất khẩu nông nghiệp cho doanh nghiệp. Xây dựng sớm sàn thương mại điện tử cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam – Châu Âu, bao gồm cả hành chính công và dịch vụ logistics nhằm đảo bảo cho doanh nghiệp cả 2 bên cùng tiếp cận dịch vụ hành chính công nhanh nhất. Đồng thời, Chính phủ sẽ cùng với TP HCM tổ chức hội nghị giữa các vùng để tạo liên kết vùng và khai thác lợi thế.

Hiện, EU là thị trường có kim ngạch nhập khẩu đứng thứ 2 của thế giới, chiếm 14,9% tổng nhập khẩu toàn cầu. Mặc dù thị trường nhập khẩu lớn thứ 2 nhưng Việt Nam mới chiếm thị phần khoảng 2% trong tổng nhập khẩu của EU.

Khi hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế (70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU). Sau 7 năm, 99,2% số dòng thuế (99,7% kim ngạch xuất khẩu) sẽ được xóa bỏ thuế. Với 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu 0%.

Riêng với nhóm nông - lâm - thủy sản, ngay khi hiệp định có hiệu lực, gần 70% mặt hàng có thuế xuất về 0%. Theo đó, với gạo và sản phẩm từ gạo, tổng lượng hạn ngạch 80.000 tấn một năm đối với gạo xay xát, gạo chưa xay xát và gạo thơm. Thuế trong hạn ngạch này là 0%. Gạo tấm xóa bỏ thuế xuất trong 5 năm, sản phẩm từ gạo xóa bỏ trong 3-5 năm.

Với thủy sản, 50% số dòng thuế được xóa bỏ ngay và 50% còn lại xóa bỏ trong 3-7 năm. Các sản phẩm rau chế biến, hoa quả tươi, cà phê, hạt tiêu, hạt điều, mật ong tự nhiên cũng xóa bỏ ngay sau khi hiệp định có hiệu lực.
Hồng Châu

[+84] 0903 41 64 65 [+84] 02437.34.35.99