Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu thủy sản của cả nước từ tháng 9/2020 bắt đầu hồi phục với mức tăng trên 12% so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi sụt giảm liên tục từ đầu năm do tác động của dịch Covid 19. Xuất khẩu trong tháng 10 tiếp tục đà tăng trưởng trên 10% với khoảng 923 triệu USD, đưa tổng xuất khẩu thủy sản 10 tháng đầu năm lên gần 7 tỷ USD, giảm nhẹ 2% so với cùng kỳ năm 2019.
Giá xuất khẩu cá tra có xu hướng tốt hơn trong vài tháng gần đây và dự báo sẽ tiếp tục tác động tích cực đến kết quả xuất khẩu cá tra trong những tháng tới.
Tháng 10, xuất khẩu tôm tiếp tục đà tăng trưởng tốt từ những tháng trước với mức tăng trên 21% đạt gần 419 triệu USD, đưa tổng xuất khẩu 10 tháng lên 3,1 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ. Tôm chân trắng đông lạnh được gia tăng xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, EU phục vụ cho kênh bán lẻ. Trong khi đó, tiêu thụ tôm sú sụt giảm 15% so với cùng kỳ năm ngoái.
Số liệu từ VASEP cho thấy, sau khi sụt giảm liên tục qua các tháng với mức giảm 28-31% so với cùng kỳ, từ tháng 9, xuất khẩu cá tra đã khả quan hơn với doanh số cao hơn so với tháng trước đó và mức sụt giảm so với cùng kỳ cũng thấp dần xuống: tháng 9 giảm 17%, sang tháng 10 giảm 3% so với cùng kỳ đạt gần 175 triệu USD.
Giá xuất khẩu cá tra có xu hướng tốt hơn trong vài tháng gần đây và dự báo sẽ tiếp tục tác động tích cực đến kết quả xuất khẩu cá tra trong những tháng tới. Lũy kế đến hết tháng 10, xuất khẩu cá tra đạt trên 1,2 tỷ USD, vẫn giảm gần 26% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong tháng 10, xuất khẩu hải sản đạt gần 330 triệu USD, tăng 6,4% so với cùng kỳ, trong đó chỉ có cá ngừ vẫn giảm 5,4% còn các mặt hàng khác vẫn tăng: mực, bạch tuộc tăng 15%, cua ghẹ tăng 24% và nhuyễn thể hai mảnh vỏ tăng 10%. Tổng xuất khẩu hải sản tính đến cuối tháng 10/2020 đạt 2,62 tỷ USD, giảm 1,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
VASEP cho biết, ngành xuất khẩu đang dần thích nghi với bối cảnh dịch COVID-19 và biến thách thức thành cơ hội khi nhu cầu thủy sản nói chung giảm nhưng lại tăng nhu cầu với một số phân khúc sản phẩm như tôm chân trắng đông lạnh, cá khô, mực khô, thủy sản chế biến sẵn, cá hộp…
Ngoài ra, cũng phải nói thêm rằng, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1/8/2020 cũng mở ra không ít cơ hội cho thủy sản Việt. Từ đầu tháng 8/2020 đến nay, xuất khẩu thủy sản sang EU có số lượng đơn hàng tăng khoảng 10% so với tháng 7/2020. Trong đó mặt hàng tăng tập trung nhiều vào tôm và mực…
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) có hiệu lực mở ra không ít cơ hội cho thủy sản Việt, trong đó mặt hàng tăng tập trung nhiều vào tôm.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đánh giá, EU là thị trường quan trọng với thủy sản. Để tận dụng được lợi ích về thuế quan, các doanh nghiệp thủy sản đã chuẩn bị hệ thống tiêu chuẩn, chứng nhận quốc tế, cập nhật thông tin hoạt động chế biến, logistics… nên sẽ đáp ứng được các nội dung đưa ra trong Hiệp định EVFTA.
Với xu hướng này, VASEP dự báo xuất khẩu thủy sản cả năm 2020 sẽ đạt khoảng 8,45 tỷ USD, giảm nhẹ 1,5% so với năm 2020.
Ở một diễn biến có liên quan, hôm 10/11, trả lời đại biểu Nguyễn Hồng Vân (Phú Yên) về giải pháp đầu tư hạ tầng thủy sản, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết hạ tầng thủy sản, các cảng cá và khu tránh trú bão là vấn đề quan trọng và rất có ý nghĩa với ngư dân. Nó có thể kịp thời cung cấp, nâng cao chất lượng thủy hải sản sau khi đánh bắt, hỗ trợ người dân về nhu yếu phẩm, xăng dầu, đảm bảo an toàn cho người dân khi tránh trú bão và bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Với việc nước ta hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng, việc tuân thủ các quy định quốc tế về khai thác thủy sản là vấn đề bức thiết. Thực tế, nghề đánh bắt thủy sản nước ta đã bị Ủy ban châu Âu (EC) cảnh báo thẻ vàng, nếu không tích cực khắc phục thì nguy cơ bị phạt thẻ đỏ vẫn luôn hiện hữu. Để gỡ được thẻ vàng, bên cạnh đẩy mạnh ý thức của ngư dân thì cần tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng để đáp ứng yêu cầu quản lý, cấp chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác.
Về giải pháp sắp tới, trả lời tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, theo nguyên tắc, định mức phân bổ vốn, Bộ đã dự kiến 170 dự án với số vốn 4.370 tỷ đồng. Với các cảng cá thì các địa phương tham gia phần vốn của mình để xây dựng, còn các nơi tránh trú bão mang tính liên vùng, thì Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trao đổi với Bộ NN&PTNT, trong đó xác định hai ưu tiên sắp tới của ngành nông nghiệp là vấn đề an ninh nguồn nước và các nơi tránh trú bão.