Dù đại dịch Covid-19 đang tạm yên - sau khi gây tê liệt toàn ngành du lịch Việt suốt 5 tháng qua, nhưng thực tế, đỉnh điểm khủng hoảng thật sự có thể sẽ đến trong vài tháng tới, khi hàng loạt doanh nghiệp, không ngoại trừ những “ông lớn”, tuyên bố ngưng hoạt động đến đóng cửa - phá sản.
Dịch tạm ổn nhưng Du lịch lại chưa nhìn thấy tương lai
Nhiều người cho rằng ngành du lịch Việt đã chạm đáy khủng hoảng vì dịch Covid-19, rõ nét nhất là những ngày tháng 4 dài đằng đẵng khi phải “đóng cửa” để cách ly hoàn toàn, cắt đứt mọi nhu cầu đi du lịch của du khách trong và ngoài nước, tạm ngưng đến chấm dứt mọi hoạt động kinh doanh, công việc và kế sinh nhai của gần như 100% nhân sự nghề. Ý nghĩ này không sai nhưng chưa hẳn đúng. Bởi, một số doanh nghiệp đã và đang dùng đến nguồn quỹ dự phòng để duy trì thương hiệu và chi trả các khoản phí cơ bản nhất như tiền thuê mặt bằng, điện nước, bảo trì, nhân công khối văn phòng… hoặc chỉ tạm ngưng hoạt động, đợi ngành phục hồi. Ấy thế mà, dù tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát tốt và yên ổn (tính đến thời điểm hiện tại), ngành du lịch được ưu tiên áp dụng các giải pháp kích cầu để kích thích và thu hút dòng khách nội địa trong khi chờ tuyến hàng không quốc tế mở cửa – nhưng thực tế, với lượng khách Việt èo ọt như hiện tại, nguồn thu hàng ngày không đủ bù đắp cho các khoản chi khá lớn “đội nón” ra đi để củng cố dịch vụ phục vụ mỗi lượt khách.
Bên cạnh đó, việc dành ra một khoản chi phí để hỗ trợ nhân viên giỏi mất việc vì dịch nhằm “giữ chân” họ ở lại đợi doanh nghiệp hoạt động cũng “ngốn” không ít tiền (nhưng theo nhiều nhà quản lý là đáng và nên làm). Tuy nhiên, do khủng hoảng kéo dài và dự kiến sẽ tiếp tục khó khăn, thậm chí bế tắc trong những tháng tới, nhiều đơn vị đã bất lực ký vào giấy thôi việc – chấm dứt hợp đồng lao động để nhân viên tìm kiếm công việc mới hoặc làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp.
“Nhiều tháng nay, tôi đã cố gắng giữ nhân viên để chuẩn bị cho kế hoạch phục hồi. Tuy nhiên, mọi dự định đều phải thay đổi vì thị trường du lịch ngày càng xấu hơn, dù trước đó, ai cũng kỳ vọng có thể bắt đầu lại từ tháng 7 hoặc chậm hơn thì tháng 8 nhưng nay thì không biết đến bao giờ. Do vậy, khách sạn vừa quyết định cho 200 nhân viên nghỉ việc từ ngày 1/7 tới. Dù rất khó để mọi người tìm công việc mới, nhưng chúng tôi không thể làm khác được vì thấy rõ rằng, sẽ không có việc gì cho họ làm trong vòng ít nhất 6 tháng tới đây. Nghỉ việc cũng là để họ hưởng bảo hiểm thất nghiệp trong giai đoạn khủng hoảng này.” – chia sẻ chung của nhiều CEO các Tập đoàn du lịch lớn sau những ngày họp bàn liên tục nhưng vẫn chưa tìm được hướng đi khả thi.
Hàng loạt doanh nghiệp du lịch lữ hành, khách sạn, nhà hàng quy mô cũng phải đóng cửa nhiều tháng qua vì dịch Covid-19. Nhiều công ty lớn còn trụ lại được cho hay họ đang nỗ lực để có thể phục hồi một phần tình hình kinh doanh cho đến hết năm nhưng khả năng là rất mong manh vì thị trường khách nội địa tăng trưởng chậm, nhu cầu sử dụng dịch vụ gia tăng thấp trong khi mùa du lịch hè năm nay lại ngắn (chỉ kéo dài 1-2 tháng); mặt khác, thị trường khách quốc tế vẫn chưa biết khi nào mới kết nối lại.
Số liệu thống kê từ Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch, trong Quý I và Quý II, ước tính có đến 95% doanh nghiệp lữ hành quốc tế dừng hoạt động – 137 doanh nghiệp xin thu hồi giấy phép – hàng trăm doanh nghiệp hoạt động kinh doanh du lịch khách sạn, nhà hàng và liên quan tạm đóng cửa đến phá sản. Lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong 5 tháng qua cũng giảm đến hơn 50%, khách nội địa giảm 58%. Các doanh nghiệp đang hoạt động thì duy trì trạng thái cầm cự và chịu lỗ.
Ngành du lịch Việt sẽ “đóng băng” lần nữa?
Theo nhiều chuyên gia nhận định, khoảng từ tháng 7 cho đến ít nhất là cuối tháng 10 tới đây, hàng loạt doanh nghiệp, kể cả tập đoàn lớn, sẽ phải đóng cửa và cho nghỉ việc hàng trăm, nghìn nhân viên, tương tự như đợt tháng 3 và tháng 4 vừa qua. Tình hình này sẽ vẫn kéo dài và đạt đỉnh điểm vào cuối năm cho đến đầu năm sau, hoặc dài hơn nữa nếu như ngành du lịch chưa thực sự “mở cửa” hoàn toàn. Cứ như vậy, e không một doanh nghiệp nào có thể cầm cự nổi nữa.
“Chúng ta chỉ có một mùa du lịch hè vô cùng ngắn ngủi của năm nay với hy vọng “lấy ngắn nuôi dài” - kiếm nguồn thu đủ trang trải các chi phí cố định tối thiểu đợi phục hồi. Tuy nhiên, chưa chắc có thể đạt mức như mong đợi. Bởi, nếu hết hè mà thị trường quốc tế vẫn chưa mở trở lại thì du lịch gần như sẽ cạn khách.” – trăn trở của lãnh đạo một công ty lữ hành có tiếng tại Đà Nẵng.
Như vậy, khả năng “đóng băng” lần nữa của ngành du lịch Việt chỉ sau một thời gian ngắn hoạt động trở lại sau dịch là hoàn toàn có thể xảy ra. Theo đó, nhiều doanh nghiệp không chỉ phải đối mặt với một năm 2020 khủng hoảng, mà còn cả tương lai đầy khó khăn và bất định trong vài năm tới.
Thực tế thì, dù đã làm ngành du lịch Việt “chết dở” nhiều tháng qua nhưng “bóng ma” Covid-19 vẫn chưa dừng lại. Đau lòng nhất là mỗi ngày, số doanh nghiệp đóng cửa, tuyên bố phá sản ngày càng cao – nhân sự nghề mất việc ngày càng nhiều. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến nền kinh tế nước nhà nói chung, mà còn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra các tệ nạn xã hội vì túng thiếu, khó khăn do mất việc làm, nợ nần, thiếu thu nhập... cho cả nhà đầu tư, quản lý doanh nghiệp và người lao động.